Bài liên quan : << Ngân hàng Habubank xóa nợ thành công >>
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh thành phố Đà Nẵng, tính đến đầu tháng 6-2012, nợ xấu của các NH trên địa bàn là 1.661 tỷ đồng, tăng 111,9% so với cuối năm 2011, chiếm tỷ lệ 3,5% trên tổng dư nợ. Trong đó, khối NHTM Nhà nước 4,96%, NHTMCP, liên doanh, 100% vốn nước ngoài là 2,45%.
Điều đáng quan ngại là tỷ lệ nợ xấu đang có xu hướng tăng qua từng tháng và chủ yếu tăng từ khối tổ chức tín dụng (TCTD) Nhà nước và CP Nhà nước chi phối, với gần 5%. Nếu như tháng 1-2012 tỷ lệ này là 1,68% trên tổng dư nợ thì tháng 2 là 1,85%; tháng 3 là 2,49%; tháng 4 là 3,40% và cuối tháng 5 là 3,50%... Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số được thể hiện trong báo cáo của ngân hàng, số liệu thực tế có thể còn xấu hơn. Với nợ xấu lớn như vậy sẽ làm cho chi phí vốn các NHTM phải gánh tương ứng nợ xấu, cho nên chi phí vốn thực tế của các NH vẫn còn cao.
Chính vì vậy, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã khuyến cáo các NH trên địa bàn rằng lãi suất cho vay bình quân còn khá cao (hơn 18%), doanh nghiệp (DN) đang khó khăn mà các NH vẫn áp dụng mức lãi suất như thế thì càng khó khăn hơn. Nếu để lãi suất cao, DN đã và đang khó khăn, làm ăn không có lãi dẫn đến thua lỗ, các NH không thu hồi được nợ. Vậy neo lãi suất cao liệu có giải quyết được vấn đề thu nợ không, NH đã ngồi lại với DN chưa? Thống đốc cũng đề nghị các NH xem xét khả năng, năng lực của DN để tái cấu trúc lại nợ cho họ, mỗi chi nhánh NH nên ngồi lại với DN để bàn cách tháo gỡ những khó khăn.
Thực tế có nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ xấu của các DN như nhiều công ty tham gia những ngành nghề mà họ không có kinh nghiệm; người điều hành công việc kinh doanh không rõ ràng, nguồn vốn không được sử dụng đúng mục đích. Dự án lớn, khách hàng quá tham vọng, tiến hành một dự án mà họ không thể quản lý được, các dự án là bất động sản... nhưng nguyên nhân sâu xa hơn là trong quá khứ, các NH đã quá mạnh tay cho vay. Có những NH tăng trưởng tín dụng tới 100 - 200%. Khi mà tín dụng tăng nhanh, các dự án không được soát xét cẩn thận, dẫn đến nợ xấu không trả được nợ. Điều đáng nói là tỷ lệ nợ xấu trên mới tính theo chuẩn của Việt Nam, còn theo chuẩn quốc tế thì tỷ lệ nợ xấu của các NH không chỉ là 1 con số. Bên cạnh đó, nợ xấu gia tăng cũng do tình hình sản xuất kinh doanh của các DN gặp nhiều khó khăn trong năm 2011 và chưa cải thiện được trong 6 tháng đầu năm 2012, làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và khả năng trả nợ NH. Thị trường bất động sản chậm phục hồi làm cho khả năng trả nợ của các DN cũng như việc xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ xấu của các TCTD thêm khó khăn.
Mặc dù NHNN đã hạn chế không cho vay lĩnh vực phi sản xuất từ lâu nhưng theo ông Lê Văn Hiển, Giám đốc NH Sài Gòn Hà Nội - Chi nhánh Đà Nẵng, thực trạng các DN vay 10 đồng thì dành cho bất động sản hết 7 đồng là phổ biến. Đối với những DN này nợ xấu là vấn đề nan giải. Còn đối với những DN sản xuất kinh doanh như xi-măng, sắt thép, vận tải gặp khó khăn, đều được NH hỗ trợ. Đến nay, 90% các DN này đã được chi nhánh cơ cấu lại nợ… Đồng quan điểm đó, ông Đoàn Phúc, Phó Giám đốc NH NN và PTNT (Agribank) Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, hiện NH đã chủ động cơ cấu lại nợ cho 25 DN với số vốn gần 600 tỷ đồng, đây như một liều thuốc hồi sinh cho DN. Hy vọng sau khi cơ cấu DN trả được nợ, không chuyển qua nợ xấu khác vì nợ xấu đang là nguyên nhân dẫn đến tắc nghẽn vốn, do đó các NH cần chủ động đột phá trong giải quyết nợ xấu…
Trước thực trạng này, ông Võ Minh, Giám đốc NHNN Chi nhánh thành phố Đà Nẵng đề nghị: Trên cơ sở kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay và khả năng tài chính của mình, TCTD thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng vay không có khả năng trả nợ đúng hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, đồng thời thực hiện việc phân loại nợ đối với các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Ngoài ra, trên cơ sở khả năng tài chính và chính sách khách hàng của tổ chức tín dụng, TCTD xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các hợp đồng tín dụng xuống theo mức lãi suất cho vay hiện hành, nhất là đối với các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét