Mới hạ nhiệt được khoảng 2 tuần nay, lãi suất huy động kỳ hạn dài giờ đây lại được các ngân hàng thương mại đẩy lên cao. Nhưng điều đáng chú ý ở đây lại là động thái xuất phát từ một số ngân hàng lớn.
Từ đầu tháng này chính thức điều chỉnh lãi suất huy động các kỳ hạn 24, 36, 48 và 60 tháng thêm 0,5% so với trước, lên mức 10%/năm. Các kỳ hạn dưới 12 tháng giữ nguyên tại 9% còn kỳ hạn đúng 12 tháng trong khi đó giảm 1% xuống còn 10%/năm.
Tại BIDV, lãi suất các kỳ hạn trên 12 tháng được đẩy mạnh lên đến 12%/năm. Trước đó, các mức lãi này chỉ 10%/năm.
Tại VIB, biểu lãi suất kỳ hạn 12 tháng được thông báo ở mức 11%/năm. Ngân hàng Agribank thông báo huy động kỳ hạn 24 tháng là 12%/năm và từ 12 - 18 tháng là 11,5%/năm. Ngân hàng Bưu điện Liên Việt huy động 12%/năm với các khoản tiền gửi trên 3 năm, 11,5% đối với từ 18 tháng trở lên và trên 12 tháng là 11%.
Theo một chuyên gia tài chính ngân hàng, không phải ngẫu nhiên mà các ngân hàng lớn đẩy lãi suất huy động lên cao. Ngân hàng nói đang thừa tiền nhưng thực tế không phải vậy. Áp lực tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm ngày càng lớn, buộc ngân hàng phải đẩy mạnh cho vay, nhưng muốn cho vay thì cũng phải có tiền.
Ngoài ra, từ khi NHNN đưa thông tin tiền gửi của khách hàng sẽ vẫn được đảm bảo ngay cả trong trường hợp ngân hàng bị sáp nhập, nên người gửi giờ đây cũng không còn lo sợ rủi ro, mà chọn tiêu chí lãi suất đâu cao thì gửi. Việc các ngân hàng nhỏ đẩy lãi suất lên cao khiến cho ngân hàng lớn gặp khó trong huy động và không còn cách nào khác là họ buộc phải "đua".
Ví dụ về Agribank gần đây đủ cho thấy áp lực lớn về huy động. Nhà băng này đã ra hẳn văn bản giao chỉ tiêu cho cán bộ nhân viên, thậm chí cho cả hội đồng thành viên, phó tổng giám đốc, tổng giám đốc...Các ngân hàng khác hầu hết cũng áp chỉ tiêu cho nhân viên, nhưng khác ở chỗ là họ chỉ giao nhiệm vụ chứ không bằng văn bản như Agribank.
Ngoài việc áp dụng lãi suất cao cho các kỳ hạn dài, những ngày gần đây các ngân hàng cũng đang ra sức tư vấn cho khách hàng để gửi kỳ hạn dài bởi có tin lãi suất huy động kỳ hạn dưới 1 năm sẽ giảm về 8%/năm, thậm chí là 7%.
Chị Xuân, nhân viên giao dịch của VIB cho biết, hiện tại khách hàng đến gửi tiền, ngân hàng đều tư vấn gửi kỳ hạn dài để hưởng lãi cao. Tuy nhiên, người gửi kỳ hạn trên 12 tháng rất hiếm, chủ yếu là 3 tháng.
Ngoài ra, các ngân hàng còn đưa ra các chương trình khuyến mại hấp dẫn để hút khách. Tại ngân hàng Q. ở phố Kim Ngưu (Hà Nội), dù không công bố chương trình tặng quà, nhưng khi khách hàng gửi số tiền trên 500 triệu đồng, kỳ hạn 1 tháng là đã được tặng một bộ bát sứ Minh Long trị giá vài trăm nghìn đồng hoặc một thẻ mua hàng trị giá 500 nghìn đồng. Hay tại ngân hàng B. trên phố Bà Triệu, khách gửi tiền từ 100 triệu đồng trở lên là được tặng một bộ cốc thủy tinh hoặc áo mưa...
Sáng 30/7/2012, Ngân hàng Đông Nam Á (SeA Bank) PGD Bạch Đằng đã khai trương trụ sở mới (tại địa chỉ Tầng trệt Tòa nhà NICE số 467 Điện Biên Phủ, P25, Bình Thạnh, Tp.HCM) nhằm mục tiêu đưa thương hiệu, sản phẩm dịch vụ đến gần hơn với cộng đồng dân cư, doanh nghiệp.
SeABank Bạch Đằng tọa lạc trên trục Điện Biên Phủ, là nơi tập trung đông khu dân cư và các tòa nhà công sở, số lượng lớn các hộ kinh doanh, doanh nghiệp với quy mô khác nhau… SeABank Bạch Đằng có địa thế thuận lợi, cơ sở vật chất khang trang hiện đại sẽ góp phần nâng cao hình ảnh cũng như cung cấp các dịch vụ tài chính tiện ích và đa dạng cho Khách hàng.
Với những điều kiện thuận lợi như trên cộng với nội lực sẵn có là đội ngũ cán bộ nhân viên có trình độ, kinh nghiệm, nhiệt huyết, chắc chắn SeABank Bạch Đằng sẽ phát huy và nhanh chóng và đạt được những thành công vượt bậc trong hoạt động kinh doanh, quảng bá hình ảnh và thương hiệu SeABank không chỉ tại khu vực Quận 1 mà còn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Ngày 26/7/2012, Ngân hàng trung ương New Zealand (RBNZ) đã công bố quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 2,5% nhằm đối phó với ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính tại châu Âu.
Như vậy, trong 11 kỳ họp liên tiếp ngân hàng trung ương New Zealand đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản. Điều đó có nghĩa, mức lãi suất thấp kỷ lục 2,5% đã được duy trì trong khoảng 17 tháng qua, kể từ khi ngân hàng trung ương này đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản vào tháng 3/2011.
Trong một thông cáo báo chí đăng tại Website ngân hàng trung ương, Thống đốc RBNZ Ông Alan Bollard cho rằng: Triển vọng phát triển kinh tế của các đối tác kinh doanh của New Zealand còn thấp, cùng với sự suy thoái của một số nền kinh tế trong khu vực đồng euro, và nguy cơ về cuộc khủng hoảng trong khu vực đồng euro ngày càng xấu đi là rất đáng kể. Vì vậy, ngân hàng trung ương sẽ theo dõi tình hình kinh tế thế giới một cách cẩn thận để có thể đưa ra những thay đổi nhanh chóng.
Bên cạnh đó, đánh giá kinh tế trong nước, RBNZ tiếp tục mong đợi nền kinh tế sẽ tăng trưởng ở mức độ vừa phải trong vài năm tới. Hoạt động trên thị trường nhà đất tiếp tục tăng như dự đoán và ngành xây dựng tiếp tục được thúc đẩy nhờ hoạt động sửa chữa và xây dựng lại. Tuy nhiên, chính sách củng cố hệ thống tài chính và tỷ giá ở mức cao đã hạn chế tăng trưởng kinh tế, Thống đốc RBNZ cho biết thêm.
Ông Alan Bollard cũng tin rằng lạm phát đang được kiểm soát trong mức mục tiêu từ 1-3% và trong trung hạn RBNZ sẽ đưa tỷ lệ này xuống dưới 2%. Điều này sẽ củng cố quyết định duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp của RBNZ.
Nợ xấu ngân hàng tiếp tục xu hướng gia tăng và việc các nhà băng, kể cả ông lớn đang đẩy mạnh vốn cho vay bất động sản (BĐS) hiện nay là nhằm cơ cấu lại nợ.
Đã rất lâu rồi, thị trường nhà đất lại đón nhận một lượng vốn dồi dào như hiện nay với mức lãi suất hấp dẫn. Chẳng hạn, Vietinbank cung cấp 5.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân vay vốn mua nhà, lãi suất 12%/năm, thời hạn từ nay đến 31/12/2012. Tương tự, VCB dành 2.000 tỷ đồng cho các cá nhân vay mua nhà với lãi suất 13%/năm và sửa chữa nhà với lãi suất 14%/năm. BIDV đưa ra ngân khoản đến 4.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân vay mua, sửa chữa nhà với mức lãi suất 12%/năm.
Bên cạnh đó, gần đây các NHTM cổ phần quy mô vừa và nhỏ cũng liên tục tung ra các gói vốn lãi suất ưu đãi cho cá nhân vay mua, sửa chữa nhà.
Theo một chuyên gia trong ngành tài chính - ngân hàng, sở dĩ các nhà băng trên rộng cửa cho vay khách hàng cá nhân, nhất là đối với lĩnh vực BĐS (mua, sửa chữa nhà, vay tiêu dùng…) là muốn tự cứu mình trước bối cảnh thị trường khó khăn tác động đến môi trường kinh doanh của DN và tín dụng rơi vào tình trạng âm trong thời gian qua. Mặt khác, ngân hàng mạnh tay đẩy vốn vào thị trường BĐS trong thời gian này là để cơ cấu lại nợ, nhất là với những nhà băng đã mạnh tay rót vốn vào thị trường nhà đất thời gian trước đây.
Tổng giám đốc DongA Bank, ông Trần Phương Bình cho hay, lãi suất cho vay có thể giảm xuống đáy 12%/năm, còn lãi suất huy động kỳ hạn từ một năm trở xuống có thể vẫn đứng yên ở mức 9%/năm trong thời gian từ nay đến cuối năm. Cũng theo đánh giá của ông Bình, khả năng thị trường nhà đất chưa thể sớm hồi phục vì thị trường này chỉ đi lên bền vững cùng với nền kinh tế vĩ mô. Vì thế, lãi suất cho vay mua nhà đang trong chiều hướng giảm, nhưng hầu hết khách hàng cá nhân đều có sự xem xét kỹ và kỳ vọng lãi suất cũng như giá nhà đất giảm thêm mới ra quyết định mua nhà.
Trước thông tin dư nợ cho vay BĐS của DongA Bank chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng dư nợ của Ngân hàng (theo số liệu thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra mới đây, tỷ lệ dư nợ cho vay lĩnh vực BĐS của DongA Bank chiếm 26% trong tổng dư nợ), ông Bình cho biết, dư nợ cho vay BĐS của Ngân hàng hiện nay vẫn nằm trong phạm vi cho phép. DongA Bank chỉ cho vay ở lĩnh vực BĐS với tỷ lệ dư nợ dưới mức 16% theo quy định của NHNN đưa ra.
Trong khi đó, theo ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank, thị trường BĐS và hệ thống ngân hàng tại Việt Nam cũng như tại các nước đang phát triển thường có mối quan hệ rất mật thiết với nhau. Vì vậy, khi giải quyết được những bất cập ở thị trường BĐS sẽ tạo được tiền đề để giải quyết những bất cập của hệ thống ngân hàng. Bởi thực tế hiện nay ở Việt Nam, hầu hết các hoạt động cho vay của ngân hàng trực tiếp hoặc gián tiếp đều gắn với BĐS. Cho vay sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu cũng có những phần tài sản đảm bảo là các BĐS như: quyền sử dụng đất, tài sản nhà máy, công xưởng trên đất. Còn cho vay tiêu dùng cũng phần lớn liên quan đến mua, sửa chữa nhà và cho vay trực tiếp tới các DN kinh doanh trong lĩnh vực BĐS.
Mặt khác, nhu cầu đối với các sản phẩm BĐS trong dân cư luôn rất lớn. Vì thế, vấn đề quan trọng là phải giải quyết được đồng bộ các yếu tố liên quan tới đất đai như: thủ tục hành chính, giá cả của BĐS, cơ chế vận hành và hỗ trợ vốn đối với các đối tượng khác nhau tham gia thị trường này.
Nếu thị trường BĐS hoạt động lành mạnh, ổn định sẽ giải quyết được nhiều vấn đề của ngân hàng, từ khai thông tín dụng đến xử lý nợ xấu như hiện nay.
TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cho biết, số dư nợ cho vay BĐS toàn hệ thống ngân hàng đang chiếm khoảng 30% tổng số dư nợ, nhưng trong đó có một lượng dư nợ trên thị trường BĐS có yếu tố đầu cơ nâng giá ảo. Song theo ông Kiêm, con số này rơi trọn vào số nợ quá hạn và nợ xấu. Vì thế, nếu có hướng phát triển và mở ra những chính sách mới như NHNN vừa công bố giảm lãi suất và loại trừ tín dụng nhà đất khỏi lĩnh vực cho vay không khuyến khích thì khả năng giải quyết nợ xấu ở lĩnh vực này sẽ có kết quả và quyền lợi người dân sẽ được đảm bảo. Bởi đối với phân khúc khách hàng cá nhân vay vốn mua nhà và căn hộ để ở sẽ phát triển, đảm bảo sự hồi phục và phát triển thị trường BĐS trong tương lai gần.
và VietinBank, đều có những điểm chung: lợi nhuận trước hợp nhất 6 tháng đầu năm đều giảm đáng kể so với cùng kỳ 2011, đặc biệt là VietinBank; nợ xấu và chi phí trích lập dự phòng rủi ro tăng cao; tăng trưởng tín dụng rất thấp, thậm chí VietinBank giảm 3,1%; và cả hai đều đang đứng trước thách thức rất lớn trong việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm nay.
Những điểm chung trên cũng đã giải thích cho kết quả lợi nhuận. Song, có một góc khuyết thể hiện khi ngồi lật lại dữ liệu thống kê giao dịch chung của hệ thống. Góc khuyết này có ở nguồn thu trên thị trường liên ngân hàng.
Những năm vừa qua, thị trường liên ngân hàng là một mảnh đất màu mỡ để các ngân hàng dư giả vốn, ưu thế là các ngân hàng lớn, tập trung kinh doanh. Khó khăn thanh khoản hệ thống thường trực, các “ông lớn” trở thành những con thoi tiếp vốn. Một mặt, họ làm tốt vai trò cứu trợ, hỗ trợ thanh khoản hệ thống; nhưng mặt khác, lãi suất cho vay nhiều thời điểm khủng khiếp trên thị trường này tạo nên nguồn lợi lớn. Ngược lại, những ngân hàng nhỏ khó khăn thanh khoản phải méo mặt với chi phí vay mượn đắt đỏ…
6 tháng đầu năm 2012, tình hình đã khác. Góc khuyết lợi nhuận ngân hàng lớn nằm ở đây.
Rà soát lại dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước quãng giao dịch trên thị trường liên ngân hàng từ đầu năm 2011 đến kết thúc quý 2/2012 cho thấy những so sánh đáng chú ý, góp thêm một giải thích về lợi nhuận kém đi của các ông lớn nửa đầu năm nay, nhất là trong quý 2/2012.
Về quy mô giao dịch, xét riêng mức giao dịch bình quân bằng VND mỗi ngày trong 6 tháng đầu năm 2011 khá ổn định, có từ 22.000 - 26.000 tỷ đồng/ngày; lãi suất giao dịch bình quân phổ biến quanh 13 - 14%/năm, có những giao dịch có thể 16 - 17%/năm nhưng không ghi nhận trong dữ liệu thống kê. Quãng thời gian này, các ngân hàng lớn dư giả vốn vẫn kiếm được.
Cuối năm 2011 đến đầu quý 1/2012, mùa gặt vàng trên liên ngân hàng thể hiện, khi quy mô giao dịch đột biến với bình quân giao dịch bằng VND từ 30.000 - 51.000 tỷ đồng/ngày; lãi suất bình quân ghi nhận tới 17% - 21%/năm tùy kỳ hạn. Đây là quãng giao dịch gắn với khó khăn thanh khoản nổi bật trong hệ thống, cũng là quãng hai mặt nói trên của ngân hàng dư giả vốn thể hiện rõ, và đi cùng là cái giá đắt đỏ cho ngân hàng nhỏ thiếu vốn.
Nguồn thu trên liên ngân hàng tiếp tục tốt cho đến cuối quý 1/2012. Nhưng từ tháng 4, cả quy mô giao dịch và lãi suất thu được sụt giảm nhanh chóng cho đến hết quý 2/2012. Góc khuyết đối với lợi nhuận ngân hàng lớn thể hiện rõ trong quãng giao dịch này, mà thị trường vẫn có thông tin ứ vốn, khó cho vay ra, hay một phần thể hiện là sau một thời gian dài lãi suất huy động thị trường 1 của các ông lớn mới chịu nhượng bộ các ngân hàng nhỏ một cách rõ rệt như vậy.
Dữ liệu thống kê cho thấy, quý 2/2012, quy mô giao dịch bình quân bằng VND trên liên ngân hàng giảm nhanh và ổn định từ 22.000 - 26.000 tỷ đồng/ngày, không còn phổ biến trên 30.000 - 50.000 tỷ đồng/ngày như trước đó. Đặc biệt lãi suất bình quân nhận được giảm rất mạnh, nhất là trong tháng 5, chỉ xoay quanh 3 - 5%/năm ghi nhận ở các kỳ hạn ngắn (nhóm kỳ hạn chiếm tỷ trọng chi phối). Thậm chí có nhiều giao dịch được gọi là “như cho không”, khi lãi suất dưới cả 1%/năm, hay mốc 0,5%/năm mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình dẫn chứng khi giải trình trước Quốc hội.
Tất nhiên, so sánh về yếu tố lãi suất ảnh hưởng đến nguồn thu giữa các giai đoạn ở trên cần đối chiếu với lãi suất đầu vào. Song riêng quý 2/2012, lãi suất trên liên ngân hàng thấp hơn hẳn so với lãi suất huy động trên thị trường 1 và trạng thái này kéo dài.
Cả khối lượng và chất lượng (lãi suất) đều bị gọt đi rất lớn như vậy, lợi nhuận trong quý 2/2012 của các “ông lớn” bị khuyết đi so với trước đó riêng trên thị trường liên ngân hàng là rõ ràng. Trùng hợp (đương nhiên) là, theo Ngân hàng Nhà nước, trong quý 2/2012 vấn đề thanh khoản của hệ thống đã được xử lý tốt, đồng nghĩa với cơ hội kiếm lời từ các ngân hàng nhỏ khát vốn đã hẹp đi.
Hiện vẫn còn những con thoi chủ lực trên liên ngân hàng chưa công bố báo cáo tài chính quý 2 và 6 tháng 2012 nên chưa định hình được toàn diện góc khuyết đó. Song, một tính toán tại một ông lớn cho thấy 6 tháng đầu năm nay cho vay thị trường liên ngân hàng giảm tới gần 49% so với cùng kỳ 2011 thì rõ ràng một nguồn thu quen thuộc đã bị khuyết đi.
Quy mô giao dịch bình quân mỗi ngày bằng VND trên thị trường liên ngân hàng (đơn vị: tỷ đồng; tính trên cơ sở dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước)
Lãi suất VND trên liên ngân hàng một năm trở lại đây (đơn vị: %, nguồn: MSB)